‘80% vũ khí của quân đội đến từ nhà khoa học trong nước’

Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã thay đổi từ nhận viện trợ, mua sắm, lắp ráp sang tự chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vũ khí, theo thiếu tướng Phạm Thanh Khiết.

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, VnExpress phỏng vấn thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng, về những thành tựu và định hướng lớn trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí của quân đội.

– Nhìn lại 80 năm qua, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của công nghiệp quốc phòng?

– Giống như quá trình hình thành và phát triển của quân đội, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã đi từ “không đến có”. Năm 1945, khi nhà khoa học Trần Đại Nghĩa về Việt Nam, ông đã giúp quân đội ta nghiên cứu, phát triển nhiều loại vũ khí. Những nghiên cứu của ông đã giúp cải tiến vũ khí của bộ đội, làm thay đổi cục diện trên chiến trường, đóng góp lớn cho cách mạng. Trong đó có thể kể đến súng chống tăng, đạn chống tăng, bazooka.

Đến kháng chiến chống Mỹ, đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học đã vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn để hiện đại hóa nhiều loại vũ khí cho bộ đội thay vì thụ động chờ hỗ trợ từ nước bạn. Những nỗ lực này đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, bắn rơi các máy bay B52. Sau năm 1991, Việt Nam không còn được cung cấp nhiều vũ khí, khí tài từ Liên Xô nên chúng ta đã tự chủ bảo đảm vũ khí, trang bị. Việc xây dựng công nghiệp quốc phòng tự lực tự cường luôn là ưu tiên hàng đầu trong xây dựng quân đội từ trước đến nay.

Hiện Việt Nam đã cơ bản bảo đảm được vũ khí trang bị cho bộ đội, trong đó có nhiều loại rất hiện đại như tên lửa đã được giới thiệu trong triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã thay đổi từ nhận viện trợ, mua sắm, lắp ráp sang tự chủ nghiên cứu, thiết kế và sản xuất. Trong 10 năm qua, 80% vũ khí trang bị đưa vào sử dụng là từ kết quả của các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, khẳng định bước tiến mạnh mẽ của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

– Các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng mang đến triển lãm nhiều sản phẩm mới, đã và sẽ trang bị trong quân đội. Tính năng, kỹ chiến thuật của các sản phẩm này đáp ứng thế nào xu thế chiến tranh hiện đại?

– Tổng cục đã đưa đến triển lãm những sản phẩm được nghiên cứu, thiết kế phù hợp nhu cầu tác chiến của quân đội và trên cơ sở đánh giá xung đột trên thế giới. Trong đó, chúng tôi tập trung rất nhiều vào phát triển thiết bị không người lái (UAV), xe chiến đấu bộ binh, robot chiến đấu, sản phẩm nghi binh, nghi trang.

Một trong các sản phẩm chủ lực được giới thiệu là xe chiến đấu bộ binh XCB-01, do các nhà khoa học của Tổng cục chủ động nghiên cứu, thiết kế và các nhà máy trong toàn quân chế tạo, sản xuất. Sản phẩm đã được thử nghiệm, được đánh giá chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Ngoài ra, Tổng cục cũng phát triển, nâng cấp và tự chủ hoàn toàn các sản phẩm vũ khí cho bộ binh với tính năng vượt trội so với trước đây. Các loại súng bộ binh thế hệ mới với nhiều tính năng ưu việt, độ chính xác cao; đạn cho súng, pháo cũng được chúng tôi làm chủ hoàn toàn quy trình sản xuất với uy lực lớn hơn, tầm xa hơn.

Việt Nam là một trong số ít nước tự chủ gần như tất cả nguyên vật liệu, vật tư sản xuất vũ khí cho lục quân. Các đơn vị của Tổng cục đã tự sản xuất hơn 200 loại mác, thuốc phóng, thuốc nổ, kíp nổ dùng cho chế tạo đạn, tên lửa, bom, mìn. Chúng ta cũng làm chủ được một số công nghệ nền cho sản xuất các loại thép đặc chủng dùng cho vũ khí.

Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trọng trách của chúng tôi vì thế cũng rất nặng nề. Tổng cục phải tự chủ nghiên cứu, thiết kế vũ khí từ đơn giản cho đến phức tạp nhất. Đến nay, công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự hào khẳng định có năng lực ngang bằng và hơn nhiều nước trong khu vực, thậm chí ở một số lĩnh vực quan trọng chúng ta đã tương đương với nước phát triển.





Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết tại triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: Sơn Hà

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết tại triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: Sơn Hà

– Hiện nay, quân đội các nước sử dụng UAV trong tác chiến rất phổ biến, từ tấn công cảm tử, trinh sát đến cứu thương. Tổng cục định hướng phát triển và khắc chế loại vũ khí này như thế nào?

– Chiến tranh hiện đại cho thấy cách thức, chiến thuật tác chiến thay đổi từng ngày, từng giờ và việc sử dụng vũ khí, khí tài công nghệ cao cũng không nằm ngoài xu thế này. Với tính cơ động, dễ sử dụng, chi phí sản xuất, vận hành thấp, UAV đóng vai trò ngày càng quan trọng trên chiến trường.

Các kỹ sư, nhà khoa học của Tổng cục hướng đến nghiên cứu, phát triển các loại UAV có thể phục vụ đa dạng mục tiêu, nhiệm vụ tùy theo điều kiện tác chiến. Yêu cầu là sản xuất phải nhanh, thao tác đơn giản và giá thành phải phù hợp mới đáp ứng yêu cầu của quân đội. Đây là ngành nghiên cứu tương đối mới, song các nhà máy thuộc Tổng cục rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển các loại UAV, trong đó có UAV tấn công.

Tại triển lãm, chúng tôi ra mắt hai loại UAV cảm tử là BXL.01 và QXL.01. Các UAV này có thể mang đầu nổ xuyên lõm tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp, pháo tự hành, trạm radar. Kiểm nghiệm thực tế, tính năng của UAV này tương đương với các loại tối tân, được sử dụng trong các xung đột hiện nay.

Bên cạnh phát triển, chuyên gia quân sự Việt Nam cũng dày công nghiên cứu biện pháp khắc chế UAV của đối phương. Tổng cục đã triển khai nhiều nhiệm vụ phát triển radar để phát hiện được UAV xâm nhập; hệ thống chế áp UAV bằng điện tử; nâng cấp thiết bị quan sát để lực lượng phòng không, pháo binh, bộ binh sử dụng súng tiêu diệt UAV.





UAV cảm tử tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: Giang Huy

UAV cảm tử tại triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: Giang Huy

– Đạt nhiều thành tựu, song nền công nghiệp quốc phòng còn khó khăn về nhân lực, kinh phí phục vụ cho nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ. Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này?

– Công nghiệp quốc phòng là lĩnh vực rất đặc thù, không quốc gia nào chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị thế hệ mới của họ. Vì vậy, nền công nghiệp quốc phòng bắt buộc tự chủ trang bị để phù hợp cách đánh của Quân đội nhân dân Việt Nam và bắt kịp xu thế của chiến tranh hiện đại.

Năm 2024, Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với 40 cơ chế chính sách đặc thù về bảo đảm nguồn lực tài chính trong phát triển vũ khí; chế độ chính sách cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Luật cũng đề ra chính sách thu hút, gìn giữ nhân lực chất lượng cao về quân sự, đặc biệt nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư về vũ khí.

Đây là những giải pháp rất căn bản để khắc phục khó khăn của công nghiệp quốc phòng thời gian qua. Tổng cục và các đơn vị trong Bộ Quốc phòng đang gấp rút xây dựng nghị định, quyết định của Thủ tướng và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật.

– Đại tướng Phan Văn Giang từng chia sẻ câu chuyện chuyên gia quân sự nước ngoài có mức lương 10.000-20.000 USD/tháng, thì Nhà nước cũng cần cơ chế để nhà khoa học nhận mức thù lao tương xứng. Vậy Tổng cục sẽ thực hiện điều này thế nào sau khi Luật được thông qua?

– Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Việt Nam ngoài sản xuất vũ khí, trang bị cho quốc phòng còn có nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng phục vụ cho kinh tế dân sinh và xuất khẩu. Đối với các đơn vị trong Tổng cục, giá trị của mặt hàng kinh tế chiếm 60-70% tổng doanh thu.

Phát triển kinh tế của các nhà máy sẽ tạo ra nguồn lực dồi dào, giúp tái đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở và đồng thời tạo ra nguồn lực để thu hút, đãi ngộ thật tốt cho nhân lực chất lượng cao. Luật vừa thông qua cũng cho phép đơn vị quốc phòng được tự chủ trong chi trả từ nguồn thu của mình.

Hiện nay, thu nhập bình quân người lao động tại các nhà máy đạt 17 triệu đồng/tháng. Nguồn nhân lực chất lượng cao tại một số doanh nghiệp của Tổng cục được trả lương cao so với mặt bằng chung doanh nghiệp trong nước, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.





Xe chiến đấu bộ binh tại triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: Giang Huy

Xe chiến đấu bộ binh tại triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: Giang Huy

– Thúc đẩy hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và mở rộng kênh mua sắm là một trong những mục tiêu lớn của triển lãm lần này. Tổng cục đã thu hoạch được gì từ sau triển lãm?

– Qua triển lãm lần này, cơ quan, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, nhất là các viện nghiên cứu nắm bắt được xu thế phát triển của vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Đây là cơ sở để Tổng cục có hướng đề xuất nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí mới phục vụ cho quân đội.

Dự kiến, doanh nghiệp thuộc Tổng cục ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu, vật tư, trang thiết bị, sản phẩm có giá trị kinh tế lớn. Sơ bộ, các hợp đồng mà các doanh nghiệp thuộc Tổng cục ký trên 250 triệu USD như cung cấp vật tư để sản xuất đạn, chi tiết của vũ khí trang bị và một số sản phẩm thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác, hóa chất.

Đây cũng là dịp Tổng cục giới thiệu đến các nước sự vượt trội của ngành đóng tàu. Các nhà máy đóng tàu của quân đội có trình độ công nghệ tương đương nước phát triển. Nhà máy của Tổng cục đã xuất khẩu được các loại tàu quân sự, tàu chuyên dụng đến hơn 40 nước, trong đó có tàu công nghệ rất cao, như tàu cứu hộ tàu ngầm để xuất khẩu cho hải quân Australia.


Sơn Hà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *