VHO – Sở VHTT Quảng Bình phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Dự án 6 với nhiều hoạt động về xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch, truyền dạy và trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể
Triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025, Sở VHTT Quảng Bình đã tổ chức lớp tập huấn truyền dạy và trình diễn, tái hiện các loại hình văn hóa phi vật thể cho đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều tại hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa.
Lớp tập huấn có gần 60 học viên là những nghệ nhân, già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín là đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều; cán bộ, công chức văn hóa – xã hội các xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa)…
Diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 7 đến ngày 9.8), lớp tập huấn đã giúp các học viên hiểu rõ hơn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Bru – Vân Kiều, nhất là việc truyền dạy các loại hình văn hoá phi vật thể của đồng bào.
Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở VHTT Quảng Bình, lớp tập huấn đã nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều; đề cao vai trò, năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều.
Đồng thời thông qua lớp tập huấn góp phần gìn giữ, bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán, nhạc cụ, kiến trúc truyền thống, trang phục truyền thống, tiếng nói, chữ viết và các giá trị văn hóa khác có nguy cơ mai một của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều trên địa bàn 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa.
Xây dựng mô hình di sản kết nối với du lịch
Những ngày đầu tháng 8, tại xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lớp tập huấn xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng.
Sau 9 ngày (từ ngày 1 đến ngày 9.8) tham gia lớp tập huấn, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản và đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều ở xã Trọng Hóa đã tiếp thu nhiều nội dung quan trọng về hiện trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi; tiềm năng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Bru – Vân Kiều trên địa bàn xã Trọng Hóa…
Ông Hồ Xăng, một nghệ nhân dân gian ở xã Trọng Hoá chia sẻ, lớp tập huấn đã tạo điều kiện để các nghệ nhân, đồng bào DTTS các bản làng ở xã Trọng Hóa giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc trình diễn, thực hành lễ hội trỉa lúa của người Bru – Vân Kiều.
Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian
Từ ngày 20 đến 29.8, tại nhà văn hóa Bản Km14, xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh Quảng Bình tổ chức lớp tập huấn xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Ngân Thủy.
Tham gia lớp tập huấn có 80 hội viên của các đội nhóm văn nghệ dân gian; các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc dân tộc Bru – Vân Kiều xã Ngân Thủy.
Trong thời gian tổ chức lớp tập huấn các học viên được các giảng viên và các nghệ nhân trao đổi, truyền dạy và bổ sung các kiến thức, kỹ năng cơ bản về tổ chức, hoạt động, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ; các kỹ năng dàn dựng, xây dựng các chương trình văn nghệ…
Tại buổi tổng kết, các học viên đã báo cáo kết quả tập huấn bằng việc tự dàn dựng và tổ chức, trình diễn chương trình văn nghệ với những tiết mục từ những loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu của dân tộc Bru – Vân Kiều.
Ông Võ Thanh Nhân, Phó giám đốc Trung tâm VHĐA tỉnh Quảng Bình chia sẻ, lớp tập huấn xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Ngân Thủy nhằm góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Đồng thời, đây là hoạt động nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng về việc gìn giữ giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên quê hương Quảng Bình.