VHO – UBND TP.HCM vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ về kết quả triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 sau một năm thực hiện. Thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào phát triển chung. Nghị quyết này đã tạo cơ hội cho hoạt động văn hóa nghệ thuật TP.HCM phát triển, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định 44 cơ chế đặc thù, trong đó 29 cơ chế đã được áp dụng. Cụ thể, 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả tích cực, 9 cơ chế đang chuẩn bị thủ tục và các bước tiếp theo để triển khai đúng quy định, trong khi 15 cơ chế còn lại chưa áp dụng.
Trong đó, 2 cơ chế đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện vì đã có quy định mới thay thế, 5 cơ chế chưa được đề xuất áp dụng, và 7 cơ chế đang được Thành phố hoàn thiện văn bản hướng dẫn.
Theo UBND TP.HCM, địa phương đã bố trí 3.794 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. Đồng thời, Thành phố đã phát triển 7 vị trí TOD (Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng)dọc các tuyến Metro số 1, Metro số 2 và Vành đai 3.
Trong lĩnh vực đầu tư, Thành phố đã ban hành danh mục 41 dự án trong y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư. Đặc biệt, đã chuẩn bị 50 tỷ đồng vốn trung hạn để thực hiện 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường bộ đến năm 2028.
Về xúc tiến đầu tư, Thành phố đã đón tiếp hơn 320 đoàn trong và ngoài nước, tổ chức 296 hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào thu hút nhà đầu tư chiến lược và tăng trưởng xanh (giảm phát khí thải, tín chỉ các-bon)…
Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực của Thành phố trong việc triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trước khi Nghị quyết này ra đời, hình thức hợp tác công tư đã được thực hiện thí điểm tại Việt Nam từ năm 2010, nhưng lĩnh vực văn hóa chưa được quy định áp dụng cơ chế này.
Mãi đến Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, Chính phủ mới cho phép các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao được triển khai theo hình thức PPP, mặc dù văn hóa không nằm trong nhóm các lĩnh vực áp dụng chính thức.
Năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức PPP được ban hành, tạo ra một khung pháp lý rõ ràng và vững chắc, nhưng vẫn thiếu sự quy định cụ thể cho lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, Nghị quyết 98/2023 đã thay đổi hoàn toàn bức tranh này, tạo ra một cơ chế mới để huy động đầu tư tư nhân vào các dự án văn hóa.
Mặc dù Nghị quyết chưa có hướng dẫn chi tiết về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, nhưng đây được xem là bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành văn hóa tại TP.HCM và trên cả nước.
Ông Nguyễn Hồng Văn – Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) nói rằng: Trong những năm qua, nhiều dự án văn hóa tại TP.HCM đã được quy hoạch, nhưng vẫn chưa thể triển khai do thiếu nguồn lực tài chính.
Mặc dù thành phố đã chú trọng và bố trí ngân sách, nhưng nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực văn hóa vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, việc thu hút vốn từ khu vực tư nhân gặp khó khăn vì lĩnh vực này không nằm trong danh mục các ngành được quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Để giải quyết vấn đề này, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã cho phép thành phố áp dụng đầu tư PPP đối với các dự án văn hóa.
Đây là một bước đi kịp thời giúp thành phố tháo gỡ khó khăn, thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa. Cụ thể, các thiết chế văn hóa do thành phố quản lý có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng trở lên, còn các thiết chế văn hóa do các quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn quản lý có mức đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên.
TS Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chia sẻ thêm: Với quy mô dân số và nền kinh tế lớn, TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa trong tổng chi ngân sách thành phố vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với thực tế và nhu cầu phát triển.
Mặc dù thành phố hiện có 53 dự án văn hóa trọng điểm với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng cho đến nay, mới chỉ có 9 dự án được cấp vốn công với khoảng 3.800 tỉ đồng, phần lớn còn lại phải dựa vào hình thức hợp tác công tư (PPP).
“Nhằm giải quyết vấn đề này và tăng cường huy động nguồn lực cho văn hóa, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội đã cho phép TP.HCM áp dụng mô hình PPP cho các dự án văn hóa và thể thao.
Đây là một cơ chế rất quan trọng, không chỉ giúp thành phố xây dựng các công trình văn hóa có kiến trúc đẹp mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đồng thời tạo ra những địa điểm giao lưu, sáng tạo văn hóa, phục vụ thụ hưởng văn hóa cho cộng đồng”, TS Ngọc nhấn mạnh.
Thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 23 dự án văn hóa, thể thao với tổng mức vốn dự kiến hơn 23.600 tỉ đồng.
Trong đó, Thành phố ưu tiên kêu gọi đầu tư cho 5 dự án trọng điểm, với tổng vốn hơn 2.300 tỉ đồng, bao gồm các công trình quan trọng như Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lao động A-B, Nhà hát Gia Định, Trung tâm Văn hóa TP, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và Trung tâm Văn hóa Thể thao đa năng tại huyện Cần Giờ.
Đặc biệt, 18 dự án khác, thuộc khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, cũng đang được giới thiệu để các nhà đầu tư nghiên cứu và đề xuất phương án.
Những dự án này sẽ không chỉ phát triển cơ sở vật chất, mà còn tạo dựng các cơ hội mới cho các hoạt động thể thao, văn hóa, góp phần nâng cao giá trị tinh thần cho người dân thành phố và cả quốc gia.
“Chúng ta kỳ vọng rằng, thông qua việc áp dụng phương thức PPP, TP.HCM sẽ tiếp tục thu hút các nguồn lực xã hội, phát triển mạnh mẽ các thiết chế văn hóa, thể thao, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam trong thời đại mới”, TS Ngọc bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Hồng Văn (HFIC), lợi ích của phương thức PPP là tạo cơ hội cho các dự án văn hóa có thể huy động vốn từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm áp lực tài chính cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, việc áp dụng cơ chế ưu đãi như chia sẻ doanh thu, hỗ trợ vốn nhà nước và các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất cũng góp phần khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các dự án này.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong việc áp dụng PPP cho các lĩnh vực mới như văn hóa. Đặc biệt, việc xác định doanh thu, chi phí và công suất hoạt động của các dự án văn hóa trong khuôn khổ PPP vẫn còn gặp nhiều thách thức. Điều này cần được giải quyết thông qua việc làm rõ khái niệm “sản phẩm, dịch vụ văn hóa công” để đảm bảo tính khả thi của các dự án.
“HFIC, với vai trò huy động vốn và hỗ trợ tài chính, sẵn sàng tham gia vào các dự án văn hóa thông qua đầu tư trực tiếp hoặc tài trợ tín dụng, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa Thành phố. HFIC cũng sẽ hỗ trợ các dự án văn hóa được vay vốn với lãi suất ưu đãi, theo quy định của Thành phố”, ông Văn nhấn mạnh.