VHO – Ngày 21.12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng đã tổ chức công bố hoàn thành dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” sau 3 năm triển khai.
Dự án được khởi công từ cuối năm 2021, với tổng kinh phí hơn 42 tỉ đồng, từ nguồn đóng góp ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng (mỗi địa phương đóng 50%).
Trong đợt trùng tu này, dự án tập trung vào việc phục hồi toàn diện các công trình kiến trúc, nhằm tái hiện vẻ đẹp và giá trị lịch sử của di tích. Như tu bổ cổng Hải Vân Quan và cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan; phục hồi thay thế nền cổng lát đá thanh, hệ thống cối, tường gạch vồ; phục hồi hệ lan can và trang trí trên nóc; hệ thống cửa ván ghép…
Đồng thời, phục hồi hệ thống tường thành thời nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành. Ở hệ thống tường phía Nam, phục hồi pháo nhãn, tường che, các ụ đặt pháo, các chòi quan sát, tai tường và thang lên các cổng…
Nằm ở độ cao hơn 490m trên dãy núi Hải Vân, Hải Vân Quan là một công trình kiến trúc thành lũy quân sự ấn tượng, được xem là một trong những cửa ải hùng tráng bậc nhất Việt Nam. Năm 2017, Bộ VHTTDL đã xếp hạng Hải Vân Quan là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Vị trí của di tích cách trung tâm TP. Huế khoảng 90km về phía Bắc và cách trung tâm TP.Đà Nẵng khoảng 28km về phía Nam. Hải Vân Quan mang nhiều giá trị về văn hóa lịch sử và là thắng cảnh nổi tiếng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển du lịch của hai địa phương nói riêng và miền Trung nói chung.
Chính quyền 2 địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã có “cái bắt tay lịch sử” để cùng xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cũng như triển khai dự án bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên gắn với di tích quốc gia Hải Vân Quan là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng.
Dự án này cũng là nền tảng quan trọng để cả 2 địa phương tiếp tục phối hợp trong việc bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di tích trong tương lai. Đây cũng được xem là “hình mẫu” tiêu biểu trong việc hợp tác bảo tồn, phục hồi di sản.
Việc triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành từ cuối tháng 7 và di tích Hải Vân Quan cũng được mở đón khách tham quan miễn phí từ ngày 1.8.2024, trước khi chính quyền hai địa phương quyết định phương án khai thác, quản lý phù hợp.
Thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho thấy, từ tháng 8.2024 đến nay, đã có hơn 133.500 lượt khách đến tham quan di tích Hải Vân Quan.
Ngoài ra, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ, thí điểm nền tảng check-in của du khách tại di tích Hải Vân Quan.
Theo dự kiến, hai địa phương sẽ luân phiên quản lý và khai thác, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan theo thời hạn. Đồng thời, cũng đề xuất mức thu phí tham quan khoảng 50.000 đồng – 70.000 đồng/khách khi chính thức khai thác di tích này.