Đại diện Bộ, ngành cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo | Chính sách quản lý

VHO – Ngày 24.12, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.

Đại diện Bộ, ngành cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo  - ảnh 1
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnhg: Quốc hội

Tham dự cuộc làm việc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện Bộ: TT&TT; Công thương; Y tế… cùng đại diện một số Ủy ban của Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 8, ngày 8.11, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và ngày 25.11 thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Theo đó, đã có 103 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó, có 86 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và 17 lượt ý kiến phát biểu, 1 lượt ý kiến tranh luận tại Hội trường).

Tại cuộc họp, Thứ truỏng Bộ  VHTTDL Trịnh Thị Thủy  báo cáo công tác nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, các đại biểu cùng trao đổi, thống nhất về các nội dung của dự thảo Luật.

Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012, nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo trong thực tế tổ chức thực hiện hiện nay; góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển.

Tại Kỳ họp vừa qua, nội dung liên quan đến quảng cáo trên mạng là nội dung được rất nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Đây cũng chính là nội dung cốt lõi của lần sửa đổi lần này.

Đại diện Bộ, ngành cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo  - ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định về quảng cáo trên mạng cần cụ thể, toàn diện hơn, theo đó cần quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng chủ thể tham gia thị trường như: Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ trung gian trên Internet, người bán không gian quảng cáo đến người tiếp nhận quảng cáo để tạo sự minh bạch trong thực thi nghĩa vụ của những chủ thể tham gia thị trường quảng cáo;

Bổ sung quy định quản lý những clip ngắn trên mạng xã hội có lồng ghép giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; bổ sung quy định cụ thể hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam đặc biệt đối với quảng cáo về thực phẩm dược, hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc hại, nguy hiểm.

Các quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cũng được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo còn chung chung, cách quy định theo hướng liệt kê sẽ không bao quát được các hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Khoản 8 Điều 2 chỉ điều chỉnh người chuyển tải sản phẩm quảng cáo hoạt động “trên mạng xã hội” là chưa bao quát các hoạt động quảng cáo trên không gian mạng hiện nay như các ứng dụng thương mại điện tử của Shopee, Lazada, Tiktok shop và những hình thức khác có thể phát sinh trong tương lai.

Đại diện Bộ, ngành cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo  - ảnh 3
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng; bổ sung quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, để bảo đảm lợi ích của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo…

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 cho rằng, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo liên quan đến nhiều Bộ, ngành.

Do vậy, cần phân định làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương đối với hoạt động quảng cáo, trong đó, giao cho Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì để giúp cho Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo; các Bộ, ngành chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực phụ trách và đối với nhóm sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo thẩm quyền.

 Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, cách quy định cụ thể này sẽ không bao quát được hết nhiệm vụ của các Bộ, ngành, do đó, chỉ nên quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo và quy định một bộ chịu trách nhiệm tham mưu…

Liên quan nội dung này, trước đó, ngày 8.11, Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Về yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 19a), theo ông Nguyễn Đắc Vinh, nội dung này có 2 ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: tán thành với Ban soạn thảo bổ sung quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai: đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là giao Chính phủ quy định vì đây là những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, mang tính kỹ thuật, chuyên ngành có tác động trực tiếp đến sức khoẻ của con người và có thể biến động theo từng thời kỳ.

“Ủy ban cho rằng, đối với những nội dung đã được quy định trong luật chuyên ngành thì không quy định lại mà chỉ viện dẫn tại dự thảo Luật, đồng thời, giao Chính phủ quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế”, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ và cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Tại cuộc làm việc hôm nay, một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần sửa đổi toàn diện để dự án Luật có tính đột phá hơn khi áp dụng trong thực tiễn; tiếp tục rà soát các nội dung của dự án Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Hóa chất…

Đại diện các Bộ, ngành liên quan đã cho ý kiến về việc xem xét tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 liên quan đến các nội dung đáng chú ý trên. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã đề xuất phương án tiếp thu, giải trình đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Qua thảo luận, một số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Pháp luật đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét lại nội hàm của khái niệm “quảng cáo” trong Luật Quảng cáo hiện hành để bảo đảm bao hàm được các loại hình quảng cáo hiện nay. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình tiếp thu và hoàn thiện dự án Luật.

Qua nghe các ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ban soạn thảo dự án Luật xem xét, nghiên cứu tất cả các ý kiến đại biểu Quốc hội một cách đầy đủ, cởi mở, nghiêm túc, không để sót vấn đề. Đặc biệt, cần làm rõ các khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong Luật để có các chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho ngành quảng cáo phát triển; đảm bảo quá trình tiếp thu và giải trình chi tiết, thuyết phục.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *