Đối mặt với nhiều “điểm nghẽn” | Văn hóa

VHO – Tại Hội thảo khoa học “Hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa tổ chức tại TP.HCM, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các bên liên quan đã chỉ ra nhiều rào cản trong hợp tác công – tư (Public-Private Partnership – PPP) lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam.

Đối mặt với nhiều “điểm nghẽn” - ảnh 1
Trung tâm Văn hóa TP.HCM tại số 97 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, là một trong 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước theo PPP

 Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển, văn hóa luôn giữ vị trí quan trọng, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước đã chủ trương gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, coi văn hóa ngang tầm với các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.

Chính sách và đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ chế, chính sách và đầu tư cho văn hóa chưa đồng bộ, một phần là do nguồn lực công còn hạn chế, phần khác chưa tận dụng hiệu quả khu vực tư nhân trong việc đầu tư phát triển văn hóa. Việc thúc đẩy hợp tác công – tư được kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị văn hóa mới, phát triển công nghiệp văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long, Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam chia sẻ, với tầm nhìn phát triển đất nước dựa trên văn hóa dân tộc làm yếu tố chủ đạo, Bộ VHTTDL đã đệ trình phương án đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, và rất vui mừng khi đã được Quốc hội thông qua. Chương trình hướng đến đưa văn hóa thành yếu tố quan trọng của nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực văn hóa chất lượng cao và tăng cường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa cần nguồn lực lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, vì vậy PPP là giải pháp huy động nguồn lực xã hội hiệu quả. Mặc dù PPP đã thành công ở các dự án hạ tầng, trong khi các dự án PPP văn hóa tại Việt Nam còn hạn chế do thiếu khung pháp lý.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP phim Giải Phóng bày tỏ: Mô hình hợp tác công – tư trong điện ảnh gặp nhiều khó khăn về khung pháp lý và quản lý. Số lượng phim hợp tác công – tư còn ít, do thủ tục hành chính và tài chính phức tạp, đặc biệt từ năm 2015 khi vấn đề đấu thầu xuất hiện. Luật Điện ảnh 2006 yêu cầu sản xuất phim đặt hàng tuân thủ Luật Đấu thầu nhưng việc ban hành thông tư hướng dẫn gặp khó khăn, dẫn đến thiếu phim Nhà nước đặt hàng từ 2015 đến 2017. Mãi đến cuối 2018, Chính phủ mới cho phép cơ chế tạm thời, giúp có kinh phí cho phim đặt hàng. “Mặc dù phim Việt Nam có cơ hội cạnh tranh qua kỹ thuật số và nền tảng trực tuyến, nhưng cần đầu tư cơ sở hạ tầng ngành phim. Việt Nam nên sản xuất phim mang bản sắc văn hóa để kết nối với du lịch. Luật Điện ảnh mới sẽ thúc đẩy PPP, nhưng cần chính sách cụ thể để thu hút đầu tư và phát triển ngành”, ông Hưng nói.

 Việc triển khai PPP trong văn hóa vẫn đối mặt với một số thách thức như khung pháp lý chưa hoàn thiện; các dự án văn hóa có khả năng sinh lợi thấp; thiếu kinh nghiệm từ cả Nhà nước và nhà đầu tư; rủi ro thay đổi chính sách, và các khó khăn truyền thống như quỹ đất không phù hợp và tính không chắc chắn của hoạt động văn hóa. Dự kiến, Nghị định quy định chi tiết về PPP trong văn hóa sẽ được ban hành vào năm 2025.

(Ông ĐỖ QUANG MINH, Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ VHTTDL)

Theo ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL), ban đầu Luật PPP không áp dụng cho lĩnh vực văn hóa, nhưng sau đó đã thí điểm tại TP.HCM theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Mới đây, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 11.2024), Quốc hội đã thông qua sửa đổi, bổ sung các luật, trong đó xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư và mức vốn tối thiểu tại Luật PPP, nghĩa là lĩnh vực văn hóa có thể áp dụng PPP trên phạm vi cả nước. Các dự án PPP trong văn hóa có thể bao gồm công trình văn hóa công cộng như bảo tàng, nhà hát, di tích lịch sử, cơ sở hạ tầng du lịch văn hóa, hạ tầng văn hóa số và công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hiện PPP trong văn hóa mới chỉ được triển khai thí điểm tại bốn tỉnh, thành, và TP.HCM là địa phương duy nhất có danh mục kêu gọi đầu tư cho 6 dự án văn hóa.

“Việc triển khai PPP trong văn hóa vẫn đối mặt với một số thách thức như khung pháp lý chưa hoàn thiện; các dự án văn hóa có khả năng sinh lợi thấp; thiếu kinh nghiệm từ cả Nhà nước và nhà đầu tư; rủi ro thay đổi chính sách, và các khó khăn truyền thống như quỹ đất không phù hợp và tính không chắc chắn của hoạt động văn hóa. Dự kiến, Nghị định quy định chi tiết về PPP trong văn hóa sẽ được ban hành vào năm 2025”, ông Minh cho biết.

Có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Luật Điện ảnh 2022 chưa có quy định chuyên sâu về PPP trong lĩnh vực này, cần có quy định cụ thể để thúc đẩy các dự án. Nhà nước nên miễn thuế hoặc trợ cấp tài chính cho các phim lịch sử, chiến tranh cách mạng và thiếu nhi, đồng thời xây dựng quỹ đầu tư phát triển văn hóa công – tư. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực quản lý và đảm bảo giám sát minh bạch. Chính phủ cần quy định rõ quyền lợi giữa nhà nước, nhà sản xuất và nhà phát hành phim, và thúc đẩy quảng bá qua truyền thông và nền tảng số. Đầu tư vào trường quay chất lượng cao và thiết bị hiện đại để nâng cao sản xuất, khuyến khích sáng tạo và đa dạng hóa thể loại phim, đặc biệt là phim lịch sử, văn hóa…

TS Tom Fleming, Giám đốc Công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế sáng tạo và văn hóa (Vương quốc Anh), chia sẻ về các mô hình sáng tạo, mô hình đầu tư văn hóa và dự án tài trợ hiệu quả trên thế giới, từ đó rút ra những bài học cho Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng, cả khu vực tư và công đều hướng đến những mục tiêu chung như tạo việc làm, thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch và nâng cao quyền tiếp cận nghệ thuật cho công chúng. PPP giúp cân bằng giữa tính bền vững kinh tế của khu vực tư nhân và lợi ích công cộng của sự phong phú văn hóa, nghệ thuật. “Cần nhận diện những vấn đề cốt lõi chung và đồng thuận về các giá trị chung. Chính sách khuyến khích thúc đẩy hợp tác không chỉ xoay quanh yếu tố tài chính mà còn cần sự cởi mở về những mục tiêu và mong muốn trong quá trình hợp tác và đầu tư. Nghệ thuật cần được nhìn nhận như một chất xúc tác quan trọng để tạo ra tương lai tốt đẹp hơn”, TS Tom Fleming bày tỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long, để thúc đẩy PPP trong phát triển văn hóa, cần hoàn thiện cơ chế và chính sách đầu tư hấp dẫn, ban hành các văn bản pháp luật cụ thể triển khai Luật PPP. Nhà nước cần xác định các lĩnh vực trọng điểm, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục và bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, tránh tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm. Cần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của văn hóa và PPP, khuyến khích giám sát và đóng góp ý kiến vào các dự án. Ông Đỗ Quang Minh cho rằng, PPP trong văn hóa cấp địa phương cần tập trung vào hai hướng chính. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và chính sách, bao gồm phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến hợp tác công – tư, đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án PPP văn hóa. Cạnh đó, triển khai PPP thông qua xây dựng các dự án văn hóa phù hợp với cơ sở vật chất và mục tiêu địa phương, ưu tiên các hình thức như O&M, liên doanh, liên kết, và hợp đồng BOT, BT cho các công trình văn hóa. Cần hỗ trợ các tổ chức văn hóa tư nhân và xây dựng cơ chế rõ ràng về nguồn kinh phí.

“PPP không chỉ giảm gánh nặng tài chính mà còn trao quyền cho khu vực tư nhân trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa bền vững”, ông Minh nhấn mạnh. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *