Cà MauChị Mai Thị Thùy Trang, 40 tuổi, ở huyện Năm Căn, nghỉ việc tại công ty nước ngoài về quê làm các sản phẩm từ tôm, cua, mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng.
Người phụ nữ quê gốc ở huyện Đầm Dơi từng có 15 năm làm việc tại công ty Hàn Quốc, với mức lương hơn 30 triệu đồng mỗi tháng. Năm 2014, chị Trang sinh con, về quê nghỉ dưỡng. Thời gian này, chị tiếp xúc nhiều phụ nữ nông thôn, trăn trở làm sao giúp họ kiếm được thu nhập từ chính sản vật tại địa phương. Từ lâu Năm Căn được xem là thủ phủ cua biển ở Cà Mau, sản phẩm được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
“Khi có con tôi cũng quan tâm hơn tới chất lượng thực phẩm. Qua tìm hiểu tôi thấy các sản phẩm cua, tôm hiện có không ngon như ở quê”, chị Trang nói, cho biết đó là động lực để quyết định nghỉ việc, mở cơ sở sản xuất ở xã Tam Giang với hàng chục nhân công.
Mặt hàng đầu tiên chị bắt tay sản xuất là tôm đất làm khô. Tôm đất là loại thủy sản sống tự nhiên, chưa được nuôi công nghiệp nên chất lượng thịt vượt trội so với các loại khác. Nắm bắt lợi thế đó, chị Trang chú trọng giữ nguyên bản hương vị, đầu tư bao bì. Những gói tôm khô đầu tiên chị bán cho bạn bè ở TP HCM dùng thử, ai cũng khen ngon, liên tục đặt hàng.
Ngoài tôm khô, chị Trang tìm cách tách thịt cua trữ đông để bán cho khách hàng là những người không có thời gian. Hơn một năm may mò, nghiên cứu, thử nghiệm hàng chục mẫu, chị mới cho ra sản phẩm ưng ý. Chị đem mẫu thịt cua đi kiểm nghiệm để đảm bảo chất lượng, sẵn sàng phục vụ các nhóm khách khó tính.
“Ai cũng nghĩ việc tách thịt cua không khó, song vấn đề là làm sao giữ được chất lượng thịt trong thời gian dài để bán cho khách ở xa”, chị Trang nói, cho biết cơ sở luôn sử dụng nguyên liệu là cua được nuôi tự nhiên từ những trang trại liên kết. Bà con đánh bắt theo kiểu thả câu, đặt rập (bẫy) theo con nước.
Nói về quá trình cho ra một kg thịt cua được tách sẵn, chị Trang cho biết đó là quy trình khép kín từ khâu nhập nguyên liệu đến đóng gói thành phẩm. Khi nhập hàng, chủ cơ sở chọn cua sống, chắc thịt, có kích cỡ 200-450 gram để chế biến. Cua được nhân công làm sạch, sơ chế, bảo quản lạnh, đóng gói.
“Thịt cua sau khi được nhân công tách phải được kiểm tra lại hai lần trước khi đóng gói, tránh dính vỏ gây nguy hiểm cho người tiêu dùng”, chị Trang nói. Trung bình một kg cua sống cho 90-120 gram thịt, tùy thời điểm khai thác.
Cơ sở sản xuất 4 loại thịt cua khác nhau với định lượng từ 150 gram đến một kg, giá bán 1,3-1,6 triệu đồng mỗi kg. Hiện cơ sở của chị Trang cung cấp lượng thịt cua cho hơn 20 khách hàng là các nhà hàng, quán ăn, chuỗi sản xuất trong cả nước.
Ngoài thịt cua sinh thái, chị Trang còn sản xuất tôm khô, bánh phồng cua, bánh phồng tôm, tôm sinh thái đông lạnh… Tổng doanh thu mỗi tháng của cơ sở đạt 3-4 tỷ đồng, lợi nhuận chừng 300 triệu đồng. Cơ sở sản xuất của chị luôn tất bật mỗi ngày mới kịp sản xuất cung ứng cho khách hàng.
Để chủ động trong sản xuất, chị Trang thành lập hợp tác xã, liên kết với hơn 400 hộ nông dân địa phương để cung ứng nguyên liệu. “Mong muốn lớn nhất của tôi là mỗi nông dân phải làm giàu trên chính mảnh đất của mình, bằng các sản phẩm thế mạnh của địa phương”, chị Trang nói.
Ông Huỳnh Tiết Giao, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho biết địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia các lớp tập huấn nuôi tôm, cua sinh thái, theo hướng hữu cơ cung ứng nguyên liệu chất lượng cho hợp tác xã. Định hướng phát triển của hợp tác xã giúp cho nông dân không lo về đầu ra sản phẩm, lại có thu nhập ổn định.
Chúc Ly