Mang hương rừng xuống phố | Dân tộc – Tôn giáo

VHO – Trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 diễn ra tại tỉnh Quảng Trị, người dân và du khách đã được tham gia không khí náo nhiệt của không gian ẩm thực, chiêm ngưỡng và thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng hấp dẫn của bà con dân tộc các vùng miền.

Mang hương rừng xuống phố - ảnh 1
Những món ăn đặ sản của dân tộc Cao Lan, đoàn Vĩnh Phúc.

Tự hào bản sắc vùng miền

Không gian trưng bày văn hóa, ẩm thực, du lịch của 16 đoàn được tổ chức quây quần giống như một buôn làng thu nhỏ. Đặc biệt hơn, không gian này tập trung đa dạng đa sắc màu văn hóa, ẩm thực, du lịch của đồng bào 54 dân tộc anh em, đồng bào các dân tộc từ miền núi cao phía Bắc đến dãy Trường sơn, Tây Nguyên đã mang đến người dân và du khách những trải nghiệm thú vị, khó quên.

Tự hào giới thiệu không gian văn hóa, ẩm thực của dân tộc Thái tỉnh Sơn La, chị Hà Thị Hằng cho biết Sơn La có hơn 54% là dân tộc Thái, nên những nét đặc trưng của người Thái đã đậm nét, bao trùm tạo nên dấu ấn khó quên trong ấn tượng của du khách về mảnh đất Sơn La.

Sơn La mang đến Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 một mâm cơm trọn vẹn của đồng bào dân tộc Thái, trong mâm cơm này có xôi ngũ sắc, cơm lam, cá nướng, gà nướng, nộm da trâu hoa chuối, thịt băm gói lá nướng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn quảng bá, giới thiệu một số nông sản của tỉnh Sơn La, vì những năm gần đây người dân, chính quyền Sơn La đã vươn lên nỗ lực để trở thành trung tâm tiểu vùng Tây Bắc, nơi sản xuất và chế biến nông sản lớn nhất vùng Tây Bắc.

Mang hương rừng xuống phố - ảnh 2
Đông đảo người dân, du khách đến tham quan và trải nghiệm không gian giới thiệu ẩm thực của đồng bào các dân tộc

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã hình thành nhiều điểm đến, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí như: Khu du lịch Mộc Châu Island – Cầu kính Bạch Long; điểm du lịch sinh thái thác Dải Yếm – Cầu kính Tình yêu; làng nguyên thủy – Hang Táu; làng Bắc Âu, Phố đi bộ – Chợ đêm Mộc Châu…

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, 2 lần được Cup travel away bình chọn là Điểm đến thiên nhiên hàng đầu Thế giới vào năm 2022, 2023, trong đó cầu kính Bạch Long, được Guiness ghi nhận là cầu kính dài nhất thế giới, tổng chiều dài lên tới 632m.

“Thông qua chương trình này Sơn La mong muốn đưa nét đặc sắc của 12 dân tộc, vẻ đẹp du lịch của Sơn La đến quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước, đồng thời cũng hy vọng sẽ góp phần vào việc bảo tồn, phát huy tốt những di sản văn hóa mà địa phương đang có” – chị Hà Thị Hằng bày tỏ.

Chị H’Riet Ê Bang, dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đăk Lăk giới thiệu về bản sắc ẩm thực của đồng bào dân tộc Ê Đê hiện lên qua cơm lam gà nướng, gỏi cá đắng, cá cơm, lá mì xào, cá hấp ba chỉ, cá đắng giã, thịt heo nướng ống tre, thịt heo phơi một nắng, cá khô nướng ăn với canh cà đắng… tạo thành một khẩu vị riêng biệt rất miền núi.

Về du lịch cộng đồng của đồng bào Ê Đê, chúng tôi có 33 ngôi nhà sàn dài, 6 bộ chiêng và 7 gia đình đang làm nghề truyền thống về thổ cẩm. Với hương vị cà phê của đồng bào Ê Đê thì không ai có thể quên được; khi đến đây, quý khách sẽ được tận mắt thấy bà con phơi, sấy cà phê, khi cà phê được rang, sấy thơm sẽ được tạo thành dạng bột mịn để thưởng thức, hương vị rất đậm đà thơm ngon.

Mang hương rừng xuống phố - ảnh 3
Mâm cơm với những món ngon đặc trưng của đoàn Đăk Lăk

“Về văn hóa, người Ê Đê có văn hóa cồng chiêng nổi tiếng, khi tiếng cồng, chiêng được các già làng cất lên tại lễ hội sẽ được các chàng trai, cô gái mặc trang phục truyền thống hòa quyện với nhau tạo thành làn điệu múa hát hấp dẫn, say mê lòng người” – chị H’Riet Ê Bang chia sẻ.

Không khí ấm áp nồng hậu giữa các đồng bào dân tộc anh em Pa Cô, Vân Kiều, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Cor, Tà Ôi, Xê Đăng, các tỉnh, thành miền Trung… đã tạo nên tình cảm ấm áp, đoàn kết và nồng hậu, quyện vào đó là hương vị các món ăn tạo nên một ấn tượng khó quên

Nỗ lực giữ gìn di sản

Vượt cả ngàn cây số, hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đem đến Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị những giá trị văn hóa đặc sắc. Từ ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng truyền thống,… tất cả tạo nên bức tranh văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Đinh Xuân Thắng, Vụ phó Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của UBND tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL tổ chức không gian văn hóa đặc sắc trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương tham gia, trong đó có đoàn từ Lạng Sơn, Sơn La xa xôi của miền Bắc cho đến các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông ở Tây Nguyên…

“Thời điểm cuối năm, tất cả các tỉnh, các địa phương đều rất bận rộn nhưng các địa phương rất quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch để mang về đây những sản phẩm đặc trưng nhất. Rất nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số mang tính riêng biệt của địa phương. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của các địa phương rất lớn”, ông Thắng nói.

Mang hương rừng xuống phố - ảnh 4
Đồng bào dân tộc Tày ở Lạng Sơn chế biến món bánh ngải truyền thống

Thông qua sự tự quảng bá của các địa phương có thể nhận thấy họ mong mỏi được đưa những gì tinh túy, tốt đẹp nhất của dân tộc mình, địa phương mình đi giới thiệu với các dân tộc anh em khác. Với ý thức về lòng tự hào dân tộc, họ đang nỗ lực hành động để những giá trị di sản văn hóa truyền thống không bị thất truyền, mất mát.

Chị Hồ Họa My, dân tộc Pa Cô, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho hay: Tỉnh Quảng Trị có đồng bào Pa Cô, Vân Kiều sinh sống, văn hóa dần mai một. Thông qua lễ hội như thế này tạo nên sự gắn kết, bảo tồn, quảng bá để mọi người biết nhiều hơn về những nét đặc trưng riêng của đồng bào ở đây.

Bà Hoàng Thị Yên, xã Mai Xa, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ cách chế biến món bánh ngải truyền thống của người Tày xứ Lạng. Đây là loại bánh mang màu xanh đậm của lá cây, nhìn rất đẹp mắt. Bánh ngải được làm từ gạo nếp, lá ngải luộc cho hết nước đắng, nấu xôi chín rồi cho vào giã cùng lá ngãi, chia thành từng bánh nhỏ. Cho nhân vừng rang, giã nhỏ vào trộn với đường sên.

Mang hương rừng xuống phố - ảnh 5
Người dân và du khách thưởng thức ẩm thực của đồng bào các dân tộc

Bà Yên cho rằng ẩm thực dù chỉ là những món ăn trong đời sống hàng ngày của mỗi dân tộc, nhưng qua đó chứa đựng tâm niệm về đời sống, tâm linh của đồng bào mỗi địa phương.

“Món bánh ngải Lạng Sơn, ngày xưa, các cụ thường làm vào ngày mồng 3 Tết Thanh minh dâng lên ông bà, tổ tiên báo công ơn, mừng hương lúa mới của dân tộc, như vậy món bánh ngải đơn giản nhưng cũng đã mang trong mình một vai trò riêng, cũng giống như bánh chưng, bánh dày và nhiều món ăn khác đã trở thành biểu tượng ẩm thực của một vùng, địa phương nào đó trên mảnh đất Việt Nam”, bà Yên thông tin.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *