VHO – Ngày 21.12, Trường ĐH Văn Lang phối hợp cùng Trung tâm Ngôn ngữ Tiếng Hàn tại TP.HCM và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức Lễ tổng kết Seminar khám phá văn học Việt-Hàn, Hàn-Việt 2024 và trao giải cuộc thi biên dịch văn học Việt-Hàn, Hàn-Việt lần thứ nhất năm 2024.
Chương trình Seminar khám phá văn học Việt-Hàn, Hàn-Việt 2024 nhằm đào tạo kỹ năng biên dịch văn học Việt Nam – Hàn Quốc, truyền cảm hứng dịch văn học, góp phần định hướng và nuôi dưỡng đội ngũ dịch giả văn học trong tương lai.
Chương trình không chỉ mang đến cho các bạn học viên kiến thức sâu sắc về văn học Việt Nam và Hàn Quốc, mà còn tạo cơ hội cho các bạn nâng cao năng lực dịch thuật và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.
Song song với Seminar khám phá văn học, các đơn vị cùng phối hợp tổ chức Cuộc thi biên dịch văn học Việt-Hàn, Hàn-Việt lần thứ nhất.
Bà Bùi Phạm Lan Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: Với sứ mệnh “Lan tỏa tác động truyền cảm hứng cho xã hội, phục vụ cộng đồng”, nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động về văn học và dịch thuật văn học do Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc thực hiện, như workshop dịch văn học Hàn Quốc, cuộc thi cảm nhận tác phẩm Hàn Quốc, ngâm thơ Hàn Quốc và giao lưu văn chương Việt-Hàn.
“Năm nay, với sự tài trợ của Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn, sự phối hợp của Hội Nhà văn TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang tổ chức chuỗi sự kiện Seminar khám phá văn học và Cuộc thi biên dịch văn học Việt-Hàn, Hàn-Việt lần thứ nhất và cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam.
Sự kiện được tổ chức với mục đích bồi dưỡng và khích lệ đội ngũ dịch giả tương lai, góp phần giới thiệu và tăng cường giao lưu văn chương giữa hai nước”, bà Lan Phương cho biết.
Seminar khám phá văn học, bắt đầu từ tháng 9.2024, đã triển khai thành công trong ba tháng, với sự tham gia của 12 học viên đến từ 8 trường ở TP.HCM.
Các học viên đã có cơ hội thực hành dịch thơ, tùy bút và truyện ngắn tiêu biểu từ văn học cổ điển và hiện đại của Việt Nam và Hàn Quốc, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch thuật.
Ngoài ra, Cuộc thi biên dịch văn học, phát động từ tháng 11.2024, đã thu hút sự tham gia mạnh mẽ, với các tác phẩm tiêu biểu từ sách giáo khoa của cả hai nước. Chỉ sau một tháng, cuộc thi đã nhận được hơn 20 bài dự thi từ học sinh phổ thông và hơn 200 bài từ sinh viên chuyên ngành và người đi làm.
Đặc biệt, cuộc thi còn có sự tham gia của học sinh Hàn Quốc và nhiều thí sinh dự thi với các tác phẩm dịch song ngữ, từ văn học Việt Nam sang tiếng Hàn và ngược lại.
Điều này chứng tỏ, mặc dù là lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi dịch văn học Việt-Hàn, Hàn-Việt 2024 đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi từ giới trẻ và những người đam mê dịch thuật, văn học.
Tổng kết cuộc thi, BTC đã trao 10 giải thưởng, gồm 2 giải nhất, 4 giải nhì và 4 giải ba. BTC cũng trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Seminar dịch văn học Việt-Hàn, Hàn-Việt cho các thí sinh.
Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra buổi giao lưu với hai diễn giả: nhà văn Huỳnh Trọng Khang và dịch giả Hoàng Hải Vân.
Ngoài ra, trong chương trình còn có các tiết mục văn nghệ, ngâm thơ của các nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu tại sự kiện, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM bày tỏ: Chương trình hôm nay là minh chứng rõ rệt cho nỗ lực kết nối và phát triển mối quan hệ văn hóa, văn chương giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Những sự kiện văn hóa này không chỉ tạo cơ hội giao lưu giữa các nhà văn hai quốc gia mà còn góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và chia sẻ giữa hai nền văn hóa.
Thông qua các hoạt động thiết thực và hiệu quả, chương trình giúp giới thiệu văn học Việt Nam đến với bạn đọc Hàn Quốc, đồng thời mang đến các tác phẩm văn học Hàn Quốc cho độc giả Việt Nam.
Đây là bước đi quan trọng trong việc xây dựng một cầu nối văn hóa bền vững, mở rộng giao lưu và hợp tác giữa các nhà văn, dịch giả và cộng đồng hai nước.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, trường học và các đơn vị liên quan hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành công hơn nữa trong việc thúc đẩy văn hóa, văn học và các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và Hàn Quốc.