Niềm vui đường mới về huyện miền núi ở Bình Định | Dân tộc – Tôn giáo

VHO – Được đầu tư xây dựng cả trăm tỉ đồng, tuyến đường ĐT.637 đoạn từ xã Vĩnh Quang – thị trấn Vĩnh Thạnh (thuộc huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đến nay đã hoàn thành sau gần 2 năm thi công. Công trình đã mở toang cánh cửa cho huyện miền núi này trên hành trình xây dựng nông thôn mới và quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035.

Được biết, tuyến đường ĐT.637 đoạn từ xã Vĩnh Quang – thị trấn Vĩnh Thạnh được xây dựng và hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của cán bộ và nhân dân toàn huyện Vĩnh Thạnh, bởi đây là địa phương được hưởng lợi từ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (dự án thành phần tỉnh Bình Định) do Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với kinh phí 115 tỉ đồng.

Niềm vui đường mới về huyện miền núi ở Bình Định - ảnh 1
Cầu Suối Xem được xây dựng mới

Đây là lần đầu tiên ông Quách Xuân Bê (70 tuổi), hiện sinh sống tại thôn Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Hiệp vui mừng khôn tả sau nhiều năm chờ đợi để được nhìn thấy hai cây cầu mới là cầu Suối Xem và cầu Tà Súc vừa được xây dựng hoàn thành.

Không giấu nỗi sự xúc động vui mừng, ông Bê chia sẻ: Hai công trình này vừa đẹp, vừa kiên cố nằm ngay cửa ngõ ra vào trung tâm huyện Vĩnh Thạnh khiến ai thấy đều khen ngợi. Bà con cả huyện ai cũng vui mừng vì bao nhiêu năm qua huyện miền núi Vĩnh Thạnh mới có con đường đẹp như vậy.

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Quang, ở thôn Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thịnh, bày tỏ: Tuyến đường mới khang trang, so với nền đường cũ, tuyến ĐT.637 được đắp đất nền cao hơn. Tôi và bà con nơi đây, sẽ không còn sống trong cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lũ đổ về. Nhìn thấy công trình kiên cố, chắc chắn như vậy, bà con ở đây rất vui mừng.

Không chỉ giải quyết bài toán ngập lụt vào mùa mưa, thúc đẩy hoạt động giao thương nội vùng và vùng phụ cận, đặc biệt là mở rộng liên vùng với tỉnh Gia Lai, tuyến đường này còn dẫn về cụm công nghiệp Tà Súc và một số cơ sở, nhà máy hoạt động chế biến tinh bột sắn, dăm gỗ xuất khẩu.

Mặt đường được thảm nhựa mới, tải trọng cầu, cống được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân vận chuyển nông sản, hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế và xã hội địa phương phát triển.

Niềm vui đường mới về huyện miền núi ở Bình Định - ảnh 2
Tuyến đường ĐT.637 mới dẫn về cụm công nghiệp Tà Súc và một số cơ sở, nhà máy hoạt động chế biến tinh bột sắn, dăm gỗ xuất khẩu

Là người cán bộ sống gắn bó với vùng đất Vĩnh Thạnh từ khi còn trẻ cho đến khi nghỉ công tác, già làng Đinh Biên (đồng bào Ba Na) ở thôn M1, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ: Trước đây, mỗi khi nước lũ từ sông Côn và khu vực suối Xem dâng cao, đoạn đường từ xã Vĩnh Quang về thị trấn Vĩnh Thạnh và ngược lại bị chia cắt hoàn toàn.

Người dân ở hai bên cầu không thể qua lại, hoạt động giao thương tê liệt cả tháng. Đó là chưa kể, vào mùa nắng nóng, ngoài câu chuyện lòng đường hẹp, đoạn đường này còn có nhiều khúc cua nguy hiểm và thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Già Đinh Biên bày tỏ: Tuyến đường được đầu tư nâng cấp, mở rộng giúp nâng cao độ an toàn giao thông cho người dân khi đi qua cầu. Việc xây dựng tuyến đường mở ra nhiều kỳ vọng cho huyện Vĩnh Thạnh trên hành trình xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 và phát triển quê hương Vĩnh Thạnh giàu đẹp, văn minh.

Niềm vui đường mới về huyện miền núi ở Bình Định - ảnh 3
Con đường mới ĐT.637 mở ra nhiều kỳ vọng, tạo động lực cho huyện miền núi Vĩnh Thạnh phát triển kinh tế – xã hội

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Tấn Thi – Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết: Tuyến đường này, cán bộ và nhân dân địa phương đã kiến nghị hơn 20 năm rồi bây giờ mới được hiện thực. Tuyến đường ĐT.637 đoạn từ xã Vĩnh Quang – thị trấn Vĩnh Thạnh được thiết kế, xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng; dài gần 2,4km, tốc độ thiết kế 60 km/giờ, thời gian thi công 2 năm, với kinh phí 115 tỉ đồng.

Vậy công trình về đích sớm là nhờ vào đâu? Theo ông Tô Tấn Thi, ngoài sự nỗ lực thi công không mệt mỏi ngày đêm của đơn vị nhà thầu thì còn có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con trong việc phối hợp giải phóng mặt bằng.

Nhờ vậy, mà tuyến đường xây dựng mới về đích sớm trước dự kiến gần 3 tháng. Dự án hoàn thành góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ở địa phương phát triển, tạo kết nối liên vùng với tỉnh Gia Lai và vùng phụ cận của tỉnh Bình Định. Và con đường hoàn thành vào đúng dịp cả nước kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19.8.1945 – 19.8.2024) và Lễ Quốc khánh 2.9 thì càng có ý nghĩa hơn cho chính quyền và nhân dân huyện miền núi nơi đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *