VHO – Nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển.
Đồng thời, bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.
Hoàn thiện chế tài xử lý nghiêm các vi phạm
Quan điểm xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam.
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quảng cáo còn tồn tại, vướng mắc, khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; luật hóa các quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị – xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài.
Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo.
Thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương; cải cách thủ tục hành chính; bãi bỏ một số giấy phép con gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Đối tượng áp dụng gồm các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Thêm sức sống cho ngành quảng cáo
Theo đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, quảng cáo rất quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Tổng doanh thu của quảng cáo năm 2023 là khoảng 2,3 tỷ USD. Không chỉ là một ngành kinh tế, giờ đây, quảng cáo còn là một ngành công nghiệp văn hoá. Đây cũng là cách tiếp cận mới, rất cần lưu ý để tạo thêm sức sống cho ngành Quảng cáo.
Xét từ góc độ của công nghiệp văn hoá, quảng cáo cần chú ý đầy đủ đến 4 vấn đề gồm: Nguồn nhân lực quảng cáo, nội dung quảng cáo, nhất là nội dung văn hoá trong quảng cáo, công nghệ quảng cáo và kỹ năng kinh doanh quảng cáo.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cũng nêu rõ từng vấn đề cụ thể, trong đó trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là một quy định mới rất đáng quan tâm trong bối cảnh hiện nay, khi mà các phương tiện truyền thông mới đang dần đóng vai trò quan trọng trong thị trường quảng cáo. Vì thế, biện pháp quản lý hậu kiểm sẽ là một giải pháp ưu tiên thì quy định với người chuyển tải quảng cáo cần cụ thể, chi tiết, để tránh việc tuỳ tiện trong thể hiện quảng cáo.
“Đối với quảng cáo trên báo chí, cần tạo điều kiện để báo chí có thêm cơ hội quảng cáo khi hiện nay quảng cáo trên báo chí gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh với các loại hình truyền thông mới”, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn.
Đối với quảng cáo trên không gian mạng, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, chúng ta đã có kinh nghiệm quản lý theo hình thức hậu kiểm. Đây có lẽ là bài học có thể áp dụng cho quảng cáo. Muốn vậy thì các quy định sẽ càng cụ thể càng tốt.
Theo Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ), Luật Quảng cáo ra đời đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo, từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước; các hành vi cấm; yêu cầu, điều kiện đối với nội dung quảng cáo; phương tiện quảng cáo cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; Một số quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo. Đặc biệt, nhằm gia tăng thêm sức sống cho ngành quảng cáo.
Đồng thời tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.