Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính

Đà NẵngThủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.

Sáng 31/8, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới. Ông chỉ rõ một mục tiêu, hai trụ cột, ba đột phá, 4 không và 5 tăng cường trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Một mục tiêu chung là cắt giảm chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Hai trụ cột gồm kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thực hiện thuận lợi dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ba đột phá là pháp lý hóa; số hóa; tự động hóa. “4 không” là: không giấy tờ; không tiền mặt; không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định; không để ai bị bỏ lại phía sau.

“5 tăng cường” gồm: phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra; công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; đầu tư hạ tầng số; đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; và tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng trước hết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Các cơ quan phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, đảm bảo chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

“Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông nói.

Theo ông, bộ ngành đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, khẩn trương phân quyền cho các địa phương thực hiện các thủ tục hành chính; sớm trình ban hành đầy đủ các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử. Các quy định pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo hướng sử dụng hồ sơ hành chính dưới dạng dữ liệu số cũng phải hoàn thiện.

Lãnh đạo Chính phủ giao các cơ quan nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đánh giá lại, đổi mới cung cấp dịch vụ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với người dùng. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục phải đẩy mạnh và tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc gia; tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin; và hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo người đứng đầu Chính phủ, chuyển đổi số ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ trẻ em đến người cao tuổi. “Chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà và đến từng người dân”, Thủ tướng nói, cho biết Đà Nẵng là điểm sáng trong 63 tỉnh thành.

Đến tháng 7/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố đạt 95%, cao nhất cả nước (trung bình tỉnh thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%). Tỷ lệ số hóa, cấp kết quả thủ tục hành chính số của Đà Nẵng đạt 64% tính đến thời điểm hiện tại, có gần 260.000 người dân trưởng thành có tài khoản công dân số và một kho dữ liệu số trên Hệ thống chính quyền, đạt tỷ lệ khoảng 50%.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thành phố giảm thủ tục hành chính nhờ kho dữ liệu cá nhân, kho dữ liệu kết quả thủ tục hành chính số. Hiện nay, thành phố đang sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cấp trước đó để giảm 180 thủ tục hành chính cấp lại, chiếm 10% tổng thủ tục hành chính của thành phố (mới giảm, chưa bỏ hoàn toàn).

Từ năm 2019, thành phố đã giao các cơ quan giảm thời gian xử lý đến 50% đối với dịch vụ công trực tuyến so với xử lý hồ sơ trực tiếp; yêu cầu các cơ quan nhà nước phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan khác; giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến cho từng cơ quan.

Đà Nẵng cũng có nhiều mô hình hay như bưu điện/bưu cục nhận, nộp hồ sơ trực tuyến thay người dân, doanh nghiệp (hiện không thu phí); tổ công nghệ số cộng đồng, “thôn/tổ điện tử”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nêu các cách làm của thành phố trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nêu các cách làm của thành phố trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến “có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương”. Bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều nơi kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỷ lệ lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp.

Chuyển đổi số vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cần số hóa một lượng lớn thông tin giấy tờ; hạ tầng số chưa đồng bộ, nhất là vùng sâu, biên giới, hải đảo; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, chỉ 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến toàn trình.

Mục tiêu năm 2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình các bộ, ngành đạt tối thiểu 85% và đối với các địa phương đạt tối thiểu 70%. Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình.


Nguyễn Đông

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *